Khi bắt đầu bất kỳ một công việc nào, Anh/Chị cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, đặc biệt là trong ngành đặc thù như bất động sản. Trong đó, có lẽ việc cò đất kê giá là một trong số những nỗi sợ được quan tâm nhiều nhất hiện nay. Vậy nếu rơi vào trường hợp, Anh/Chị sẽ xử lý như thế nào? Cùng theo dõi những chia sẻ dưới đây của Ngô Thành Liêm để tham khảo thêm những cách xử trí hay nhé.
1. CÒ ĐẤT LÀ AI?
Đầu tiên, chúng ta cần hiểu rõ về khái niệm này. Thông thường, tại Phú Quốc, cụm từ này dùng để chỉ những người sống ở địa phương và có thông tin về một thửa đất nào đó đang có nhu cầu bán. Sau đó, họ dùng thông tin này giới thiệu ra bên ngoài qua các kênh online hoặc offline để tiếp cận với nhiều khách hàng khác.
Nếu Anh/Chị thấy tin tức và muốn tìm hiểu bất động sản thì những người cò đất này sẽ thay mặt mình liên hệ với chủ đất để xác định: thửa đất có còn hay không, giá bán có sự thay đổi không,… Hầu hết nhóm những anh em này đều là dân tay ngang, chỉ thỉnh thoảng tham gia để kiếm thêm tiền cafe, tiệc tùng. Cò là từ dành cho những người thuộc nhóm này.
Còn một nhóm khác là những người làm việc chuyên nghiệp, có sự tìm hiểu kỹ càng về luật pháp, chính sách, thông tin của bất động sản ở Phú Quốc. Tuy nhiên, những anh em này đã lên một level khác rồi và trong bài viết hôm nay, đối tượng chính mà Liêm muốn nhắc đến là những cò đất hay những nhóm người làm việc không chuyên nghiệp.
2. KÊ GIÁ NGHĨA LÀ GÌ ?
Kê giá có nghĩa là cò đất sẽ rao bán mảnh đất với giá cao hơn con số mà người chủ đất đưa ra, có thể là 10%, 20%… Ví dụ như một nền nhà bán với giá 1 tỷ đồng nhưng anh cò sẽ rao bán ra ngoài với con số là 1 tỷ mốt. Trong trường hợp này, Anh/Chị nên xử trí như thế nào để vừa thương lượng được giá tốt, vừa giữ được mối quan hệ với người có đất và tránh chuyện phiền phức khi mua bất động sản về sau? Cùng theo dõi câu trả lời trong phần tiếp theo nhé.
3. CÁCH XỬ TRÍ KHI GẶP KÊ GIÁ
Nếu Anh/Chị chưa ưng mức giá hiện tại và cảm thấy đang bị kê giá thì tất nhiên đầu tiên mình sẽ phải thương lượng và trả giá xuống. Vậy trả giá như thế nào? Ví dụ, một nền đất được chào bán với giá 1 tỷ mốt nhưng Anh/Chị chỉ muốn trả một tỷ, thì nên trao đổi và yêu cầu anh cò này trả giá với chủ đất xuống còn 1 tỷ.
Tuy nhiên, thông thường khả năng thương lượng của nhóm có đất này cũng khá hạn chế. Cho nên, Anh/Chị nên giao tiếp trên tinh thần nhờ chuyển tin chứ không nên quá kỳ vọng họ phải theo một chiến thuật thương lượng nào đó.
Trong tình huống này, Liêm hay nói như sau: “Miếng đất này tôi mua được với giá 900 triệu. Anh thương lượng được giá này hoặc thấp hơn, tôi không biết nhưng giá 900 triệu là tôi mua được.
VÍ DỤ: Anh trả xuống được tám trăm rưỡi thì tôi vẫn trả anh 900. Và nếu mua thành công tôi sẽ thưởng thêm cho anh.” Ý Liêm ở đây là nếu anh cò trả giá được 900 thì Liêm vẫn thưởng thêm cho ảnh tiền cafe 10 triệu, 20 triệu, tiền môi giới bên kia ra sao mình không quan tâm đến.
Làm như vậy người ta sẽ có động lực đi trả giá. Thông thường những người này sẽ trả dưới 900 chứ không bao giờ người ta trả đúng 900. Vì nếu trả được giá càng thấp, họ sẽ nhận được phần chênh lệch càng nhiều.
Mặc dù, những anh cò này kỹ năng thương lượng gần như bằng không nhưng phần lớn chủ đất và họ đã có mối quan hệ ân nghĩa trước đây. Cho nên, việc có thể trả giá xuống là không quá khó. Bởi vậy, Anh/Chị hãy tạo đường để người ta làm ăn, như thế họ sẽ đi thương lượng giúp mình. Từ đó họ vừa có tiền, mình vừa mua được bất động sản với giá mong muốn. Đôi bên cùng vui.
Theo kinh nghiệm của Liêm, với tình huống này, không nên ứng xử theo kiểu bẻ cò. Tức là người bán đất trả tiền môi giới cho cò, người mua lấy lại phân nửa. Khi mua bất động sản, Anh/Chị nên tránh làm như vậy. Mình có nhu cầu mua đất, anh em chạy cò giúp mình, không thưởng thêm mà còn bẻ cò thì Liêm thấy rất kỳ.
Cách làm của Liêm từ xưa đến nay là vậy. Nó mang lại hiệu quả lớn trong công việc. Khi mà anh em người ta làm việc được rồi, họ sẽ giúp mình sắp xếp mọi thứ như dọn ranh, xem giấy tờ,…
Anh/Chị vừa giúp người ta như vậy thì họ sẽ sẵn sàng giúp đỡ lại mình, thậm chí là chia sẻ thêm những thông tin nội tình về miếng đất đó. Bởi mặc dù không phải dân chuyên nhưng họ là những người dân địa phương sống tại nơi đó lâu năm nên biết những câu chuyện xung quanh thửa đất. Và sau khi giao dịch thuận lợi xong, họ có thể có thêm động lực tìm những bất động sản khác giới thiệu cho Anh/Chị.
Cho nên thay vì sợ cò đất kê giá, Anh/Chị hãy thưởng thêm cho họ. Làm như thế này, Anh/Chị sẽ đạt được rất nhiều mục tiêu khác nhau, lợi nhiều hơn hại. Tuy nhiên, có những mảnh đất mà họ không trả giá được nhưng nếu làm theo cách này, họ sẽ sẵn sàng đi tìm cho mình những miếng đất khác phù hợp với nhu cầu.
Với cách mua như trên, Liêm đã mua được rất nhiều bất động sản với mức giá mong muốn. Nếu Anh/Chị nói chuyện được với những anh em cò đất thì đây sẽ là một kênh mang đến rất nhiều thông tin bất động sản thú vị. Khi chủ đất vừa có nhu cầu bán, chưa kịp rao thì Anh/Chị đã nhận được tin tức. Nhiều người chủ không muốn đăng bán lên mạng xã hội vì sợ ảnh hưởng đến cuộc sống riêng tư.
Nên thông tin truyền ra ngoài chỉ rỉ tai nhau như vậy thôi. Thông thường, trong trường hợp này, mức giá sẽ rất sát với thị trường và khá dễ để thương lượng. Cho nên nếu Anh/Chị kết nối được với những người như vậy thì sẽ khai thác được rất nhiều mối quan hệ tốt.
Trên đây là những chia sẻ của Liêm về vấn đề cò đất kê giá. Hy vọng bài viết đã mang đến những thông tin hữu ích cho Anh/Chị trong quá trình tìm mua bất động sản. Nếu Anh/Chị quan tâm đến lĩnh vực này có thể theo dõi thêm các bài chia sẻ khác của Liêm trên website này.
Theo dõi fanpage của Liêm tại đây để liên tục cập nhật thêm thông tin về bđs Phú Quốc nhé!
Vào kênh youtube của Liêm tại đây để xem thêm những nội dung liên quan nha!
Bài viết hữu ích của Liêm: https://liem.vn/3-loi-khuyen-cho-nguoi-moi-mua-dat-phu-quoc-lan-dau-neu-khong-muon-mat-tien/